Chuyển tới nội dung

Trao đổi về chủ đề “Trẻ em có hoàn cảnh đường phố trong bối cảnh đại dịch Covid-19” trong cuộc họp mạng lưới Dynamo

  • bởi

Sáng ngày 26/10/2020, tại Văn phòng Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM đã diễn ra “Họp mạng lưới Giáo dục viên Dynamo tại Việt Nam” dưới sự chủ trì của Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM (Hội BTTE), đại diện của Dynamo International tại Việt Nam, cùng sự tham dự của các đại biểu là hơn 20 cán bộ, nhân viên xã hội, giáo dục viên (GDV) đến từ các cơ sở tổ chức xã hội vì trẻ em trên địa bàn TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Phan Thiết. 

Sau phần mở đầu với sự hướng dẫn, gợi ý của chủ trì đơn vị, đại diện các cơ sở đã có nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến đời sống của trẻ và gia đình, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đường phố. Đại dịch Covid không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế, mà còn tạo nên một khủng hoảng sâu rộng trong xã hội khi một bộ phận lớn người lao động mất việc làm, trong đó ảnh hưởng nhất là những người lao động có thu nhập thấp, từ đó hệ lụy đến con em trong gia đình của họ. Nhiều phụ huynh bị mất việc làm, giảm thu nhập do khối lượng công việc không còn như trước. Thu nhập giảm sút dẫn đến nhiều gia đình không thể trụ lại ở thành phố do gánh nặng về chi phí thuê nhà ở và sinh hoạt, phải đưa con em mình về quê. Cũng có nhiều gia đình đã phải vay mượn từ nhiều nguồn để có thể trang trải chi phí sinh hoạt và học phí cho trẻ. 

Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn này. Tình hình trường học phải tạm thời đóng cửa ngừng tập trung học sinh trong yêu cầu giãn cách xã hội khiến cho việc tiếp cận giáo dục của các em bị gián đoạn dẫn đến việc hẫng kiến thức. Khi trường học mở cửa trở lại, nhiều em bị mất cơ hội đến trường, phải nghỉ học do cha mẹ không còn đủ điều kiện tài chính chi trả cho các chi phí học tập của các con. Đã có những em phải theo gia đình về quê sinh sống. Khi việc học tập tuyến bắt đầu được triển khai, sự chênh lệch về điều kiện học tập của các em lại càng rõ ràng khi rất nhiều trẻ em không có điều kiện được tiếp cận với thiết bị công nghệ số và internet. 

Dịch Covid-19 khiến cho số lượng người nghèo và thất nghiệp tăng nhanh chóng. Cha mẹ phải rất khó khăn để có thể xoay xở đủ chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng trẻ. Việc đảm bảo cho trẻ có đủ dinh dưỡng để phát triển đầy đủ về cả trí óc và sức khỏe là một thách thức lớn trong giai đoạn này. Không chỉ thiếu thốn về thực phẩm, trẻ và gia đình không có đủ những vật dụng thiết yếu nhất trong công tác phòng chống dịch Covid như xà phòng, khẩu trang, nước sát khuẩn, v.v

Mặt khác, đối với trẻ em gia đình khó khăn và có hoàn cảnh đường phố, các em đang phải đối mặt với việc bỏ học để đi làm thêm kiếm thêm nguồn thu nhập. Việc này dẫn đến nguy cơ các em bị lạm dụng sức lao động, nhiều em còn phải đối mặt với bạo lực và nạn xâm hại. Hơn nữa, lao động sớm sẽ dẫn đến việc các em không quay lại trường học sau khi tình hình đã ổn định. 

Đối với các trẻ đã trưởng thành, các em cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề xảy ra trong giai đoạn này. Nhiều em bị mất việc, không đủ tài chính để chi trả cho tiền thuê nhà và tiền ăn. Không chỉ vậy, các em còn không có điều kiện hồi hương do gia đình quá khó khăn không thể đón các em về. Việc thất nghiệp, thiếu định hướng và nghèo đói từ bộ phận trẻ mới trưởng thành có thể khiến trẻ dễ sa ngã vào tệ nạn.

Trong cuộc họp, các đại biểu cũng đã chia sẻ về những khó khăn và thách thức mà các cơ sở, mái ấm và các nhân viên xã hội đã gặp phải. Nguồn kinh phí bị cắt giảm, thậm chí có trường hợp nhà tài trợ đã ngừng tài trợ do không đủ tài chính, cắt đứt đột ngột khiến các cơ sở gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành. Những cơ sở có nguồn tài trợ ổn định thì gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các đối tượng, trẻ em. Các nhân viên xã hội cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này do hoàn cảnh gia đình có nhiều bức xúc, có những trường hợp nhân viên bị mất việc.

Bên cạnh việc chia sẻ về những khó khăn thách thức phải đối mặt trong đại dịch Covid-19, các đại biểu cũng nêu ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục tình hình khó khăn trong giai đoạn này. Các đại biểu nhấn mạnh việc chủ động trong công tác huy động nguồn lực tài trợ. Các cơ sở cần tích cực kết nối, tìm kiếm các nhà tài trợ nước ngoài cùng các tổ chức, cá nhân, đoàn thể trong nước để huy động tổng nguồn lực về cả tiền và hiện vật hỗ trợ cho trẻ em thiệt thòi vượt qua khó khăn trước mắt. 

Các đơn vị cơ sở tham gia mạng lưới cần tăng cường kết nối để hỗ trợ nhau trong trong việc phân phối các nguồn lực hỗ trợ trẻ em, tránh các trường hợp bị chồng chéo hoặc thiếu sót. Đề xuất duy trì việc sinh hoạt mạng lưới để các cán bộ, nhân viên xã hội được cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong công tác huy động nguồn lực, tiếp cận đối tượng, hỗ trợ khẩn cấp và kịp thời cho trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 

Đối với nhân viên xã hội, việc gặp gỡ sinh hoạt mạng lưới giúp các nhân viên cùng chia sẻ trau dồi kinh nghiệm, đồng thời giảm stress, căng thẳng trong quá trình công tác. Kiến nghị cần nâng cao năng lực cho nhân viên xã hội qua nhiều hình thức: Nâng cao năng lực nhận diện những đối tượng trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nâng cao kiến thức cho nhân viên bằng việc thường xuyên cập nhật tin tức và số liệu thống kê từ các tổ chức trẻ em uy tín để nắm bắt tình hình toàn diện. Bên cạnh đó, việc quan tâm và hỗ trợ những nhân viên có hoàn cảnh khó khăn là cực kì cần thiết.

Ban tổ chức cuộc Họp đã tổng hợp những ý kiến phát biểu cũng như đề xuất của các đại biểu, từ đó nêu những kinh nghiệm và giải pháp phù hợp và cấp thiết để ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid đã xảy ra và những chuẩn bị cần thiết trong tương lại.

“Họp mạng lưới Giáo dục viên Dynamo tại Việt Nam” với sự tham gia của các đại biểu là các cơ sở, tổ chức xã hội vì trẻ em ở nhiều tỉnh, thành.

Cũng trong buổi tối ngày 26/10/2020, “Họp trực tuyến Mạng lưới Giáo dục viên Dynamo vùng Châu Á” với chủ đề “Trẻ em có hoàn cảnh đường phố trong bối cảnh đại dịch Covid-19” với sự góp mặt của Giám đốc tổ chức Dynamo International cùng các đại diện của Dynamo ở các quốc gia thuộc vùng Châu Á tiêu biểu như Viêt Nam, Ấn Độ, Hồng Kông… Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện Tuần lễ “Đường phố Trực tuyến” ngày 26-30/10/2020, nhằm hướng tới sự kiện “Tiếng nói đường phố” dự kiến diễn ra vào 18-22/10/2021 của tổ chức Dynamo International. 

Trong buổi họp trực tuyến, đại diện của cả quốc gia cũng đã có những thảo luận sôi nổi về tình hình dịch Covid đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của trẻ em và đặc biệt là trẻ em đường phố. Dịch Covid gây nên một cuộc khủng hoảng lớn mang tầm cỡ quốc tế, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều đang đối mặt với các vấn nạn chung: Thất nghiệp, nghèo đói, giãn cách xã hội, khủng hoảng tài chính dẫn đến trẻ em không được sống trong điều kiện đầy đủ về dinh dưỡng và học tập. Các tổ chức trong Mạng lưới Dynamo International đã có những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp và kịp thời đến các em, tuy nhiên do tình hình dịch diễn biến khó lường, các đại biểu quan ngại về các khó khăn đang đối mặt và cùng trao đổi để tìm ra giải pháp phù hợp.

Đại diện Việt Nam trong cuộc họp đã phát biểu về tình hình chung mà trẻ em và trẻ em hoàn cảnh đường phố ở Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra kiến nghị cần có những chính sách mạnh mẽ từ chính chính quyền các cấp nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các em cũng như tạo môi trường an toàn và để các em có thể phát triển hết tiềm năng.

© HCWA, 2019. All rights reserved.
Facebook
Instagram
Follow by Email