Chiều ngày 19/03/2021, tại Hội trường Ủy ban nhân dân thành phố, đã diễn ra Hội nghị tổng kết 12 Chương trình, Đề án, Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có đồng chí Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố – Trưởng Ban điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
Thành phố đã ghi nhận những thành tựu quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trong đó nhiều mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm đã được triển khai và nhân rộng; nhận thức của người dân và các cấp chính quyền ngày một nâng lên, trẻ em nói chung và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm hơn. Các đại biểu cũng đánh giá và chỉ ra những tồn tại và bất cập trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, từ cơ chế chính sách, đến việc triển khai thực hiện, trên thực tế hàng ngày các vụ việc trẻ em bị bạo lực, lạm dụng thân thể, tai nạn thương tích, trẻ em phải lang thang kiếm sống …vẫn thường xuyên xảy ra.
Để giải quyết các thách thức trên, chúng tôi đã đề ra một số giải pháp khả thi cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong thời gian tới, có thể kể tới như:
1.Nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố ban hành một Chương trình hành động vì trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Thành phố và các cơ quan, ban, ngành tiếp tục cần có các quan tâm, động viên, khích lệ xứng đáng và kịp thời cho đội ngũ nhân sự được giao làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là tại cơ sở.
3. Nghiên cứu đề xuất lồng ghép các hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em vào thành một trong các tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.
4. Kiện toàn và phát triển hệ thống Ban Điều hành/Ban Bảo vệ trẻ em ở các cấp, nhất là cấp cơ sở. Xây dựng chương trình bảo vệ trẻ em liên ngành và giám sát, đánh giá liên ngành. Tại cấp xã, phường, thị trấn cần bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em với những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quy trình làm việc.
5. Kêu gọi sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ từ cộng đồng và toàn xã hội (trong đó có các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế), nhằm hỗ trợ, cùng với thành phố triển khai các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ kỹ thuật hoặc nguồn lực trực tiếp nhằm thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em dựa trên nhu cầu thực tế của các nhóm đối tượng hưởng lợi giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn thành phố.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm, Hội bảo trợ trẻ em thành phố Hồ Chí Minh đã vinh dự là 1 trong 39 tập thể đã có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố trong việc triển khai thực hiện thành công 12 chương trình, đề án, kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em, giai đoạn 2012 – 2020.